9 thg 6, 2015
Hút shisha: Nguy hiểm khó lường!
Shisha là tên một kiểu hút thuốc qua dụng cụ chứa nước giống như hút thuốc lào ở Việt Nam, có xuất xứ từ các nước Ả Rập, vì vậy còn được gọi là thuốc lào Ả Rập. Nguyên liệu dùng trong hút shisha có thể là thuốc lá được ướp nhiều loại thảo mộc tạo mùi thơm, đặc biệt có mùi trái cây hoặc chứa thứ gì khác nhằm quyến rũ người hút nhưng gây hại cho sức khỏe.
Hại hơn những gì ta tưởng
Trước đây, hút shisha chỉ có trong các vũ trường, quán bar nhưng hiện nay, nó được phổ biến tại nhiều quán cà phê, giải khát. Điều đặc biệt nguy hại là hút shisha đã xâm nhập cả giới học sinh trung học. Nhiều bạn trẻ vẫn rỉ tai nhau rằng hút shisha chỉ để thơm miệng, không hại, không nghiện vì thành phần thuốc chủ yếu là thảo dược và không có nicotine. Thực hư như thế nào?
Dưới cái nhìn của nhiều người, đặc biệt giới trẻ, “shisha không gây nghiện và khá an toàn” vì được hút qua nước. Nước trong bình hút được hiểu lầm là bộ lọc giữ lại những chất độc hại không bị hút vào phổi của người dùng. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại, nó có thể gây ra những mối nguy hiểm rất khó lường.
Trước hết, hút shisha thường kéo dài cả giờ đồng hồ, lượng khói hít vào tương đương hàng chục, thậm chí hàng trăm điếu thuốc lá. Khói thuốc do người hút shisha cũng giống như hút thuốc lá, chứa hơn 7.000 chất khác nhau, trong đó có nhiều chất gây ung thư.
Lượng khói shisha hít vào tương đương với hàng chục, thậm chí hàng trăm điếu thuốc lá Ảnh: Hoàng Triều |
Nhiều khí độc và chất kích thích
Do sử dụng đường hút các chất bằng phản ứng đốt cháy nên hút shisha - cũng giống như hút thuốc lá, thuốc lào, cần sa (bồ đà) - làm cho máu người dùng có hàm lượng rất cao khí độc carbon monoxide (CO). Carbon monoxide được gọi là độc chất vì chất này ngăn cản sự vận chuyển và tiêu thụ ôxy trong máu khiến tình trạng bệnh lý ở những người vốn đã bị suy hô hấp càng trầm trọng thêm.
Nguy hiểm nhất là khói shisha có chứa các chất gây ung thư ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, như: benzopyrens, dibenzoanthracene, benzofluenthene, dibenzopyrene, các phức hợp nitrite đa vòng…
Ngoài ra, khói shisha còn chứa các chất gây kích thích thuộc nhóm aldehyd, acid, phenol… có tính kích ứng đường hô hấp, hút lâu ngày gây viêm phế quản, gây rối loạn thông khí. Cũng như hút thuốc lá, hút shisha lâu ngày sẽ làm người hút bị hẹp đường thở, gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là rối loạn hô hấp không hồi phục, tức người bị COPD sẽ khó thở thường xuyên, diễn biến ngày càng tệ và không chữa dứt được.
Shisha đang được mua bán một cách tùy tiện, không thể kiểm soát như hiện nay còn chứa các chất độc hại hay gây nghiện nào nữa không thì khó mà lường được!
Hút nhiều rất khó bỏ
Nếu hút shisha mà người hút có sự sảng khoái nhẹ nhàng, trạng thái lâng lâng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi thì chắc chắn shisha có chứa độc chất nicotine.
Ai đã nghiện do nicotine của thuốc lá thì đã rõ ma lực của nó, muốn từ bỏ nhưng dằn vặt, khổ sở vì không thể bỏ được. Mặc dù không gây nghiện trầm trọng như ma túy nhưng hút shisha nhiều lần sẽ bị lệ thuộc về mặt tâm lý, tạo thành thói quen rất khó bỏ và ngày càng hút nhiều.
Ở đây, cần biết rằng để việc hút shisha thêm hấp dẫn, người ta trộn vào nguyên liệu các chất gây nghiện nguy hiểm mà người hút không hề biết. Hiện nay, shisha được dùng ở nước ta đều là nhập lậu. Các chất thuộc loại cấm như cần sa nếu được trộn vào shisha sẽ có sức chiêu dụ người hút hơn vì có tác dụng gây ảo giác, nó cũng dễ gây nghiện hơn và tác hại ghê gớm hơn.
Từ shisha đến hồi chuông báo tử
Vì sự an toàn cho giới trẻ và cho xã hội, cơ quan quản lý nhà nước nên có biện pháp kiểm soát chặt việc mua bán, sử dụng shisha - chất chỉ đơn thuần gây hại. Nếu cần, nên cấm việc mua bán, sử dụng shisha như cấm mua bán, sử dụng cần sa.
Đối với giới trẻ, xin các bạn đừng đua đòi, bắt chước thói xấu là hút shisha. Các bạn đã quen hút shisha thì rất dễ chơi thử “bồ đà”, “thuốc lắc”, “hàng đá”. Đến lúc này, các bạn sẽ chơi thử heroin, từ hút đến tiêm chích và rồi chắc chắn, việc nghiện tiêm chích ma túy cộng với tình trạng nhiễm HIV sẽ đến để gióng hồi chuông báo tử.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Người lao động
Tags:
suc khoe