11 thg 11, 2014
Cách dùng thuốc ngừa thai đúng cách
Phụ nữ chỉ được sử dụng tối đa bốn viên ngừa thai khẩn cấp trong một tháng. Sử dụng quá nhiều, thuốc ngừa thai khẩn cấp đem lại nhiều hậu quả.
Nguy cơ ung thư?
Thuốc ngừa thai (TNT) nội tiết đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, các tác dụng phụ cũng như các nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng TNT vẫn đang được nhiều người quan tâm, trong đó có nguy cơ ung thư (UT) phụ khoa. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm khảo sát mối tương quan giữa nguy cơ UT với việc sử dụng TNT. Đa số nghiên cứu mới nhất cho thấy các lo ngại là không có cơ sở.
Ung thư vú là một dạng ung thư thường gặp với nhiều nguyên nhân và cơ chế dẫn đến. “Trong nghiên cứu gộp trên 54 nghiên cứu từ 25 quốc gia, các chuyên gia nhận thấy phụ nữ đang sử dụng hay vừa bắt đầu sử dụng TNT đường uống có tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư vú, nhưng nguy cơ này sẽ biến mất trong vòng 10 năm sau khi ngưng sử dụng”, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Yên, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
UT buồng trứng đứng hàng thứ sáu trong số các UT thường thấy nhất ở nữ giới, nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của UT đường sinh dục nữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng TNT có thể có tác dụng bảo vệ người phụ nữ trước nguy cơ UT buồng trứng.
Tuy nhiên, theo một khảo sát trên 66.000 phụ nữ trong thời gian 7,5 năm, các nhà nghiên cứu không tìm thấy rõ bằng chứng về tác dụng bảo vệ này, nhưng những người sử dụng TNT từ hai năm trở lên có xu hướng giảm nguy cơ UT buồng trứng. Những yếu tố có liên quan đến giảm nguy cơ UT buồng trứng như cho con bú đóng vai trò rất quan trọng. Cơ chế chính xác của tác động bảo vệ trước nguy cơ UT buồng trứng của TNT có thể chưa được hiểu rõ, nhưng các chuyên gia sản phụ khoa cho rằng nó liên quan đến tình trạng ức chế phóng noãn hay tác động trực tiếp của các thành phần progestin.
Tỷ lệ tử vong do UT cổ tử cung giảm đáng kể từ khi có chương trình tầm soát bằng phết tế bào âm đạo. Tuy nhiên, người ta nhận thấy TNT có ảnh hưởng đối với nguy cơ UT cổ tử cung. Vào năm 2005, dựa vào kết quả thu được từ các nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật, Tổ chức Nghiên cứu về UT thế giới (IARC) đã xếp TNT vào nhóm những tác nhân gây UT cổ tử cung.
Đặc biệt, theo cảnh báo của các chuyên gia, phụ nữ dùng TNT thường có nguy cơ nhiễm vi-rút gây u nhú ở người (HPV) - tác nhân gây UT cổ tử cung - cao hơn so với những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai khác. Sau khi loại trừ các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến UT cổ tử cung như tuổi, số bạn tình, tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên, hút thuốc lá…, nguy cơ UT cổ tử cung có thể tăng lên theo thời gian sử dụng TNT. Nguy cơ này sẽ giảm dần sau khi ngưng thuốc và trở về bình thường sau 10 năm hoàn toàn không sử dụng.
Lựa chọn cách ngừa thai nào cũng cần được tư vấn
Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc BV Hùng Vương khuyến cáo, khi muốn ngừa thai, chị em cần phải đến các phòng khám sản phụ khoa để được tư vấn sử dụng phương pháp thích hợp. Một số cơ địa của người phụ nữ không thích ứng với việc dùng TNT, như: có tiền căn mắc các bệnh về gan - thận, tiểu đường, cao huyết áp, giãn tĩnh mạch, thuyên tắc mạch.
Đối với những phụ nữ sử dụng TNT, ngoài tầm soát UT cổ tử cung, còn cần phải tầm soát UT vú. TNT vốn là một liệu pháp thay thế nội tiết tố ức chế hoạt động của buồng trứng, tác động trực tiếp lên mô tuyến vú. 100% phụ nữ khi sử dụng TNT đều có cảm giác ngực căng căng, đặc biệt là vào giữa chu kỳ dùng thuốc. Ngoài ra, TNT có thể gây ra biến chứng tắc mạch trên một số cơ địa.
Theo Nga Thanh/Báo Phụ Nữ TP.HCM